Posted on / Tin giáo dục

Ngành Sư phạm cần được ưu tiên hàng đầu trong “quốc sách hàng đầu”

Yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đang đặt ra nhiều vấn đề rất nóng với các khoa sư phạm (SP), trường SP. Vai trò “đi trước đón đầu” góp phần hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD, từ lâu được coi là sứ mệnh cao cả của các cơ sở đào tạo giáo viên.
Các khoa, trường SP sẽ làm gì và phải làm gì để bồi dưỡng, đào tạo ra đội ngũ giáo viên thực sự chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới? Phóng viên Báo GD&TĐ đã trò chuyện với ông Hồ Cảnh Hạnh – Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa Vũng Tàu, để tìm câu trả lời cho vấn đề nóng này.

Dư luận cho rằng, chính sách miễn học phí đối với sinh viên SP lâu nay đã trở nên lỗi thời. Nói cách khác là ít có tác dụng thu hút người giỏi theo nghề dạy học…Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Miễn học phí đối với SV SP là chính sách ưu đãi đối với ngành SP nói chung và trường SP nói riêng.

Tuy nhiên, chính sách này ngày càng giảm ý nghĩa thu hút HS giỏi vào SP, nó chỉ còn có ý nghĩa cho một số không lớn đối tượng HS ở vùng khó khăn.

Để đạt được mục tiêu có nhiều HS giỏi vào trường SP cần có nhiều chính sách đồng bộ hơn; trong đó chính sách, chế độ về mức thu nhập, tiền lương sau khi ra trường là quan trọng nhất.

Những năm gần đây, điểm chuẩn tuyển sinh tại các khoa SP, trường SP hầu như không cao hơn bao nhiêu so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT quy định. Phải chăng đó là điều hết sức đáng lo của “đầu vào”?

Chất lượng đầu vào là điều kiện thuận lợi ban đầu cho quá trình đào tạo, đôi  khi nó còn quyết định cả chất lượng đào tạo của ngành học, của trường đào tạo.

Tuy nhiên, quá trình đào tạo giữ vai trò quyết định chất lượng đào tạo. Để cải thiện chất lượng đầu vào, cần có nhiều HS giỏi đăng ký vào trường SP và như ở trên đã đề cập, ngoài sự nỗ lực của bản thân trường SP còn cần có nhiều chế độ, chính sách đồng bộ đi kèm.

Một số chuyên gia trong ngành từ lâu đã cảnh báo thực trạng đào tạo SP chạy theo sau chương trình – SGK phổ thông đổi mới… Theo ông, vấn đề này cần nhìn nhận như thế nào?

Thực tế chương trình đào tạo đã được nhiều trường SP cập nhật, điều chỉnh, phát triển trong quá trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu của trường phổ thông.

Tuy nhiên, bản thân nhiều trường SP còn khó khăn trong việc đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo, lựa chọn phương thức, mô hình đào tạo cho từng ngành học. Để nội dung chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng được yêu cầu của giáo dục phổ thông, cá nhân tôi cho rằng cần có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình biên soạn chương trình đào tạo và chương trình, SGK phổ thông

Phản hồi từ nhiều trường phổ thông cho rằng, một bộ phận không nhỏ giáo sinh  mới ra trường khá non yếu về kỹ năng nghề nghiệp. Ông có nghĩ rằng đó là hậu quả của chương trình đào tạo SP của chúng ta lâu nay dành thời lượng quá ít cho việc thực tập SP cũng như trang bị kỹ năng SP?

Đây là nhận định chưa thật chính xác. Khác với các cơ sở đào tạo khác, trường SP là “máy cái”, đào tạo ra đội ngũ người thầy. Do đó, ngoài việc trang bị kiến thức, trường SP còn trang bị cho SV kỹ năng; rèn luyện cho SV đạo đức, tác phong sư phạm. Thời lượng chương trình dành cho hoạt động dạy người, dạy nghề tương đối lớn.

Đó là các học phần rèn luyện nghiệp vụ SP thường xuyên, thực tập SP đầy đủ (tối thiểu hai lần trong suốt thời gian học); chưa kể các học phần về hoạt động ngoài giờ lên lớp, các hoạt động mang tính học thuật khác.

Rèn luyện nghiệp vụ SP là hoạt động thường xuyên, mang tính tự giác cao; không chỉ được thực hiện ở trường SP hoặc ở trường thực hành SP mà còn được thể hiện ở các cơ sở giáo dục, ở mọi nơi, mọi lúc; là hoạt động không chỉ của SV mà còn là hoạt động của cả giáo viên. Vì vậy hoạt động rèn luyện nghiệp vụ SP là hoạt động mang ý nghĩa “suốt đời” của nghề dạy học.

Để triển khai nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, tất nhiên các trường SP phải lãnh ấn tiên phong. Tuy nhiên có nhiều quan điểm cho rằng các nguồn lực đầu tư cho ngành SP chưa tương xứng với vị thế trọng yếu của “cỗ máy cái”. Đó liệu có là rào cản trên con đường tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu chung của các trường SP, thưa ông?

Nói như thế là chưa hiểu hết về ngành cũng như những chủ trương của Bộ GD&ĐT. Gần đây, Bộ GD&ĐT đã có chương trình phát triển ngành SP, trường SP đến năm 2020. Hệ thống các trường SP đã và đang được củng cố, hoàn thiện và phát triển.

Với vai trò “đi trước, đón đầu”, trường SP phải đi đầu trong việc đổi mới quản lý đào tạo, chuyển đổi mạnh mẽ từ đào tạo những thứ đã có sang “đào tạo những thứ ngành Giáo dục và xã hội cần”, tập trung đào tạo theo chuẩn đầu ra, chuẩn giáo viên để có đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo tôi, để thực hiện được điều đó, chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu phải thể hiện hàng đầu đối với ngành Sư phạm, trường sư phạm.

Xin cảm ơn ông!

Đinh Lê Yên  –  gdtd.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *